THÔNG TIN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

(Ban hành kèm theo Công văn số:  11/HĐPBGPL ngày 30 tháng 9 năm 2024)

 

  1. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG

1. Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, từ ngày 17/9/2024, có 3 trường hợp được miễn thi ngoại ngữ khi thi tuyển công chức.

Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức

Trong đó, Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 8 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức
        Các trường hợp miễn phần thi ngoại ngữ

Nghị định số 116/2024/NĐ-CP quy định miễn phần thi ngoại ngữ quy định tại phần II vòng 1 đối với các trường hợp sau:

1- Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ theo đúng yêu cầu về ngoại ngữ của vị trí việc làm, cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển; 

2- Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, học tập ở nước ngoài bằng ngoại ngữ theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm hoặc học bằng tiếng nước ngoài theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc đương nhiên được công nhận theo quy định của pháp luật; 

3- Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số; là người dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Thông tư số 11/2024/TT-BNNPTNT ngày 04/9/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng.

Theo đó, Thông tư này quy định định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng.

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng sử dụng ngân sách nhà nước; Khuyến khích áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật tại Thông tư này đối với kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.

Quy định chung của định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng như sau:

- Kiểm kê rừng thực hiện theo quy định tại Chương IV Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm kê rừng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

- Theo dõi diễn biến rừng thực hiện theo quy định tại Chương V Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Định mức kinh tế - kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

- Ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng.

- Căn cứ vào điều kiện cụ thể từng khu vực và biện pháp kỹ thuật, áp dụng hệ số điều chỉnh (K) để tính toán mức hao phí lao động cần thiết cho từng hạng mục công việc khi lập đề cương, dự toán.

- Chi phí và hệ số được áp dụng trong kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng:

+ Hệ số lương theo quy định; phụ cấp lưu động; phụ cấp nghề độc hại, nguy hiểm; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; đoàn phí công đoàn;

+ Hệ số khó khăn là hệ số dùng để điều chỉnh mức lao động thực địa khi người lao động thực hiện công việc tại hiện trường có mức độ khó khăn khác nhau;

+ Mức lao động kỹ thuật ngừng việc do thời tiết của lao động kỹ thuật thực địa.

- Chi phí máy móc, thiết bị kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng không quá 5% chi phí công lao động.

- Chi phí vật tư dụng cụ, điện nước, thông tin liên lạc không quá 5% chi phí công lao động.

Thông tư số 102/2000/TT-BNN-KL ngày 02 tháng 10 năm 2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập dự toán cho các dự án theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Chương trình, dự án áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng đã phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến khi kết thúc chương trình, dự án đó. Trường hợp chương trình, dự án đã phê duyệt phải điều chỉnh sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 10 năm 2024

          3. Thông tư 08/2024/TT-BXD Bộ Xây dựng ban hành ngày 30/8/2024 quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng, trong đó quy định đánh số nhà mặt đường, phố.

Theo đó, Thông tư số 08/2024/TT-BXD quy định việc đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là nhà) tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp trên toàn quốc.

Thông tư nêu rõ yêu cầu của đánh số và gắn biển số nhà như sau:

- Đảm bảo việc xác định địa chỉ nhà và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu tiếp nhận thông tin, liên lạc, giao dịch dân sự, giao dịch thương mại và các giao dịch khác.

- Góp phần chỉnh trang đô thị, nông thôn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, dân cư, công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh, trật tự, theo quy định của pháp luật.

- Việc đánh số và gắn biển số nhà được thống nhất với địa chỉ nhà trong hồ sơ xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Đánh số và gắn biển số nhà đảm bảo việc quản lý thông tin, dữ liệu về địa chỉ của tổ chức, cá nhân; đảm bảo về việc tích hợp, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có yêu cầu.

Quy định về đánh số nhà tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn

- Đánh số nhà mặt đường, phố:

+ Đánh số nhà mặt đường, phố được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3..., n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7...), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8...). Trường hợp một nhà có cửa mở ra hai đường, phố khác nhau thì nhà đó được đánh số theo đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn; nếu các đường, phố có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo đường, phố có cửa chính vào nhà hoặc đánh số theo đường, phố đã được đánh số liên tục.

+ Chiều đánh số nhà mặt đường, phố thực hiện theo quy định sau đây:
Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc;
Trường hợp đường, phố đặc thù không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này thì chiều đánh số nhà do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định (ví dụ: đường, phố dạng hướng tâm thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ trung tâm thành phố, tỉnh, quận, huyện, thị xã, thị trấn hướng ra phía ngoài trung tâm);
Các đường, phố đã được đánh số nhà trước khi Thông tư này có hiệu lực thì giữ nguyên chiều đánh số nhà…

- Đánh số nhà trong ngõ, ngách:

+ Đánh số nhà trong ngõ được thực hiện theo quy định sau đây:

Trường hợp ngõ chưa có tên riêng: tên ngõ được đặt tên theo số nhà mặt đường, phố nằm kề ngay trước đầu ngõ (có số nhà nhỏ hơn);

Nguyên tắc đánh số áp dụng tương tự quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 6 của Thông tư này;

Chiều đánh số nhà trong ngõ: trường hợp ngõ nối thông giữa hai đường, phố và đã đặt tên thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2024.

4. Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 13/9/2024, đã ban hành ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT liên quan đến quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT.

Theo Thông tư này, thời điểm tắt sóng 2G đã được lùi lại một tháng, đến ngày 15/10/2024.

Trước đó, Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và 04/2024/TT-BTTTT đã quy định từ ngày 16/9/2024, các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn GSM trên băng tần 1710-1785 MHz, 1805-1880 MHz, 880-915 MHz và 925-960 MHz sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn 2G Only. Ngoại lệ được áp dụng cho các thiết bị sử dụng mạng 2G Only cho mục đích truyền nhận dữ liệu giữa các thiết bị (M2M) hoặc tại các khu vực đặc biệt như Trường Sa, Hoàng Sa, và nhà giàn DK.

Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2024, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, đã giải thích lý do tại sao phải lùi thời hạn tắt sóng 2G.

Theo đó, do ảnh hưởng của thiên tai và bão lũ, nhiều doanh nghiệp viễn thông kiến nghị với Bộ TT&TT lùi thời hạn tắt sóng 2G thêm một tháng để không làm gián đoạn liên lạc, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn khoảng 1,8 triệu thuê bao 2G Only chưa chuyển đổi tính đến ngày 15/9/2024.

Quyết định ngưng thời hạn tắt sóng 2G không làm thay đổi mục tiêu chiến lược của Bộ TT&TT về việc dừng cung cấp dịch vụ 2G, mà chỉ nhằm xử lý tình huống khẩn cấp trước mắt, đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân giữa lúc thiên tai diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, việc tạm hoãn này cũng sẽ giúp hỗ trợ quá trình chuyển đổi công nghệ, giúp giảm thiểu khó khăn trong việc tắt sóng 2G và đẩy nhanh tiến độ triển khai các công nghệ di động tiên tiến hơn tại Việt Nam.
Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT sẽ có hiệu lực từ ngày 16/9/2024. Thời gian tạm ngưng hiệu lực kéo dài đến hết ngày 15/10/2024.

5. Thông tư số 66/2024/TT-BTC của  Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Ngày 06/9/2024 quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp ngành kế toán và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính trong đơn vị sự nghiệp công lập,

Theo đó, Thông tư quy định cụ thể các điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính như sau:

1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:

- Có vị trí việc làm còn thiếu theo cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Có nhu cầu và cử viên chức tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

2. Đối với viên chức được cử tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:

- Đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư số 66/2024/TT-BTC;

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó, phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

- Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản, nhiệm vụ khoa học từ cấp cơ sở trở lên, được cấp có thẩm quyền nghiệm thu ban hành, gồm: Văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học hoặc văn bản nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp kế toán viên chính;

Cấp cơ sở có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu, gồm: cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập; Cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Hội đồng nhân dân cấp huyện, các Ban trực thuộc Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố;

Hồ sơ tham gia nghiên cứu, xây dựng văn bản, đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học, cụ thể như sau: Có quyết định tham gia Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền đối với trường hợp không thành lập Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập; Có quyết định tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo hoặc Tổ giúp việc, Tổ biên tập, Tổ biên soạn đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học, văn bản nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền.

Thông tư số 66/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 21/10/2024.

6.  Thông tư số 13/2024/TT-BYT  của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc.

Theo đó, Danh mục dược liệu độc làm thuốc bao gồm: Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ thực vật; Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ động vật; Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ khoáng vật.

-   Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ thực vật gồm tên các loại dược liệu kèm theo bộ phận được dùng để làm dược liệu: Ba đậu (quả) (*), Bán hạ (thân rễ) (*), Cà độc dược (hoa), Cam toại (rễ) (*), Chiêu liêu (vỏ thân), Dừa cạn (lá, rễ), Kinh đại kích (rễ), Gấc (hạt) (*)/(**), Hoàng nàn (vỏ thân, vỏ cành) (*), Hương gia bì (vỏ rễ), Ngoi (lá), Mã tiền (hạt) (*)/(**), Ô đầu (rễ) (*)/(**), Phụ tử (rễ) (*)/(**), Quảng mộc thông (thân leo), Quảng phòng kỷ (rễ), Thiên nam tinh (thân rễ) (*), Thiên tiên tử (hạt), Thương lục (rễ) (*), Trúc đào (lá), Xoan (vỏ thân).

-   Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ động vật gồm tên các loại dược liệu kèm theo bộ phận được dùng để làm dược liệu: Ban miêu (con) (*)/(**), Ngô công (con) (*)/(**), Thiềm tô (nhựa lấy từ tuyến sau tai và tuyến trên da con Cóc) (*)/(**), Toàn yết (con) (*)/(**).

-   Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ khoáng vật gồm tên các loại dược liệu kèm theo thành phần hóa học chính: Kinh phấn (muối thủy ngân chlorid chế bằng phương pháp thăng hoa) (*), Hùng hoàng (Arsenic disulfide (As2S2)) (*), Lưu hoàng (Sulfur nguyên chất) (*), Thần sa (Thủy ngân sulfide (HgS)) (*).

Dược liệu được đánh dấu (*) phải được chế biến theo đúng phương pháp chế biến quy định tại Thông tư số 30/2017/TT-BYT ngày 11/07/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền hoặc Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển các nước trên thế giới.

Dược liệu được đánh dấu (**) khi sử dụng với mục đích dùng ngoài thì không bắt buộc thực hiện theo phương pháp chế biến quy định tại Thông tư số 30/2017/TT-BYT ngày 11/07/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2024

7. Nghị định 110/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/8/2024, về công tác xã hội, trong đó quy định cụ thể về dịch vụ công tác xã hội và quy trình cung cấp dịch vụ này.

*. Dịch vụ công tác xã hội:

Dịch vụ công tác xã hội gồm một hoặc nhiều dịch vụ do tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp hoạt động công tác xã hội thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội của cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng. Cụ thể gồm:

- Cung cấp các dịch vụ bảo vệ khẩn cấp.

- Cung cấp các dịch vụ chăm sóc, can thiệp, phục hồi và hỗ trợ phát triển.

- Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực.

- Cung cấp các dịch vụ phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tình trạng xâm hại, lạm dụng; bạo lực học đường, bạo lực giới và gia đình; ngược đãi và bóc lột lao động.

- Thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tư pháp, tòa án, phúc lợi xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật, giảm nghèo, phòng, chống ma túy, phát triển cộng đồng, công tác xã hội với người lao động và lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

- Quản lý trường hợp đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở và ở cộng đồng.

- Hỗ trợ phát triển cộng đồng.

- Hỗ trợ đối tượng đủ điều kiện ra khỏi cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giam giữ, cơ sở cai nghiện, cơ sở y tế trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

- Tổ chức vận động nguồn lực thực hiện hoạt động công tác xã hội.

* Về quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng, gồm 05 bước sau đây:

Bước 1. Tiếp nhận, thu thập thông tin và đánh giá nhu cầu trợ giúp của đối tượng.

- Thu thập các thông tin cơ bản của đối tượng, gia đình và thân nhân đối tượng, thông tin của người giám hộ hoặc người chăm sóc và các thông tin liên quan khác của đối tượng (nếu có).

- Đánh giá toàn diện nhu cầu trợ giúp của đối tượng (theo thứ tự ưu tiên).

- Tổ chức sàng lọc và phân loại đối tượng.

Bước 2. Xây dựng kế hoạch trợ giúp đối với đối tượng.

- Xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp với đối tượng và nhu cầu của đối tượng.

- Chủ trì, phối hợp với đối tượng và các tổ chức, cá nhân liên quan để xây dựng cụ thể về mục tiêu, nội dung hoạt động, khung thời gian, nguồn lực để xây dựng kế hoạch thực hiện trợ giúp đối tượng.

- Lập hồ sơ quản lý từng đối tượng.

Bước 3. Thực hiện kế hoạch trợ giúp đối tượng.

Bước 4. Theo dõi, rà soát, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch trợ giúp.

Bước 5. Kết thúc quá trình trợ giúp và lưu trữ hồ sơ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2024.

8. Nghị định số 108/2024/NĐ-CP  của Chính ban hành ngày 23/8/2024, phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.

           Theo đó, quỹ nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở được giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương để quản lý, khai thác bao gồm: 

          - Nhà, đất đã có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này (gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác của địa phương được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác nhà, đất hoặc phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; Doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nắm giữ 100% vốn điều lệ được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác nhà, đất) quản lý, khai thác trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

- Nhà, đất do tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quy định tại mục (1) nêu trên quản lý, khai thác trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản giao tài sản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Nhà, đất đã giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác quản lý, khai thác nhưng nay Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác theo quy định tại Nghị định này.

- Nhà, đất có Quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

- Nhà, đất có Quyết định chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

- Quỹ nhà, đất khác do địa phương quản lý.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024

II. VĂN BẢN CỦA TỈNH HÀ TĨNH

1. Quyết định số 19/2024/QĐ-UBND ngày 30/8/2024 của UBND tỉnh Hà Tỉnh về quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”.”Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Trên đây là một số văn bản pháp luật mới, Hội đồng PBGDPL huyện gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương để  phục vụ cho quá trình công tác chuyên môn và tuyên truyền các chính sách pháp luật mới theo ngành, lĩnh vực phụ trách.

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
 Liên kết website
 Bình chọn
Thống kê: 125.233
Online: 30